Hệ thống loa truyền thanh cơ sở: Vào cuộc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid – 19
Chị Thạch Thị Chính, người dân ở ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng, hàng ngày cùng với chiếc xa Honda chở “gian hàng” rau, củ, quả đi khắp xã Tân Hưng, thậm chí đến luôn địa bàn thị trấn Long Phú và xã Tân Thạnh để bán hàng thực phẩm cho bà con tiêu dùng, nên thời gian đọc báo, xem đài rất hạn chế. Song, tình hình dịch Covid -19 diễn biến thế nào, cách phòng bệnh ra sao thì chị nắm khá chắc. Buổi sáng, khi chị vừa điều khiển chiếc xe đi bán khoảng nửa tiếng thì Đài Truyền thanh huyện bắt đầu phát sóng thông tin thời sự, trong đó dành phần lớn thời lượng nói về dịch bệnh Covid -19. Đến lúc mặt trời sắp lặn, cũng là thời điểm chị chuẩn bị ra chợ lấy hàng bán vào rạng sáng hôm sau, thì tiếng loa (cụm FM) ở cạnh nhà chị lại vang lên. Cứ như thế, chị vừa làm việc, mua bán, vừa nghe thông tin về dịch bệnh để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và khuyên người khác không lo lắng thái quá.
Chú thích ảnh: Cụm loa FM hoạt động mỗi ngày 03 lần, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid – 19.
Khi dịch Covid -19 chưa xâm nhập vào nước ta, Đài truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh các xã, thị trấn đã chủ động tuyên truyền để cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Khi Việt Nam ghi nhận ca mắc bệnh đầu tiên thì thời lượng tuyên truyền tăng lên. Đài Truyền thanh huyện Long Phú dành 70% thời lượng (mỗi buổi phát sóng là 45 phút) phát sóng cả hai thứ tiếng (tiếng Việt – Khmer) để nói về dịch bệnh Covid -19 (30 phút), còn 15 phút đề cập thời sự địa phương. Các tài liệu tuyên truyền do ngành Y tế, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin Truyền thông cung cấp (gồm: Hỏi - đáp về dịch bệnh; khuyến cáo, hướng dẫn cách ly người từ vùng dịch trở về…) được phát thanh viên của Đài đọc, thu âm, phát sóng và được các trạm truyền thanh xã, thị trấn tiếp sóng tuyên truyền, phổ biến cùng với 84 cụm loa FM ở tất cả 61/61 ấp trong toàn huyện.
Ngoài hệ thống loa truyền thanh, một số xã trên địa bàn huyện còn dùng loa di động phát thông tin về phòng ngừa dịch bệnh tại các khu vực đông dân cư, nơi người dân thường lui tới. Ông Lê Văn Ngưng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Phú cho biết, các Hội, đoàn thể trên địa bàn còn lồng ghép tuyên truyền trong cuộc họp, tuyên truyền miệng kết hợp phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân. Nhiều đơn vị hoạt động rất tích cực như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã Long Đức, Đoàn Thanh niên xã Long Phú, xã Trường Khánh, Châu Khánh, Trạm Y tế thị trấn Long Phú, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Song Phụng, Hậu Thạnh … mỗi địa phương có một cách tuyên truyền và hành động riêng, nhưng có chung một chủ đề, là phải làm sao để mọi người dân có ý thức, biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách an toàn nhất cho bản thân, gia đình và cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan.
Tại huyện Long Phú, khi chưa có dịch, mỗi ngày 2 lượt, Đài Truyền thanh huyện phát sóng chương trình thời sự (sáng – chiều), nhưng từ khi có diễn biến dịch Covid – 19, Đài Truyền thanh tăng thêm thời lượng phát sóng (mỗi ngày 03 buổi) sáng, trưa, chiều, với chủ đề phòng chống dịch Covid - 19 theo văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp. Ngoài tăng thời lượng phát sóng và tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Đồng thời phản ánh đầy đủ, kịp thời hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 huyện; cùng Đài PT-TH tỉnh làm phóng sự cảnh báo bệnh dịch trên địa bàn huyện. Thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các xã, thị trấn của huyện sẽ tổ chức thông tin lưu động khắp xóm, ấp.
Thời đại công nghệ truyền thông phát triển đã thay đổi cách thức công chúng tiếp cận thông tin. Song Đài truyền thanh, trạm truyền thanh, tiếng cụm loa FM vẫn không mất đi vai trò của mình. Thế mạnh của loại hình báo nói, truyền thông lưu động đã được phát huy trong tình hình dịch Covid -19 để nâng cao nhận thức của toàn dân, hạn chế thấp nhất những biểu hiện bi quan, hoang mang hay chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.
Bài và ảnh: Sóc Ca.